Thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp

Đối với bảo hiểm thất nghiệp, chế độ trợ cấp thất nghiệp có vai trò trụ cột trong chính sách bảo hiểm thất nghiệp, giúp người lao động thất nghiệp giải quyết được ngay lập tức những khó khăn trước mặt.

Thất nghiệp là vấn đề đe dọa nghiêm trọng cuộc sống của mỗi người lao động. Để đáp ứng nhu cầu thực tế, trợ cấp thất nghiệp đã ra đời, mang bản chất tiến bộ và có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Trợ cấp thất nghiệp không chỉ có ý nghĩa hỗ trợ người lao động khi mất việc làm gặp khó khăn trong cuộc sống mà còn có giá trị lâu dài, giúp ổn định tình hình kinh tế – xã hội. Vì vậy, trong bài viết này, CÔNG TY TNHH TƯ VẤN VÀ QUẢN TRỊ DOANH NGHIỆP AN PHÁT LAW đã tổng hợp một số tư vấn về thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp như sau:

Căn cứ pháp lý

  • Luật Việc làm 2013;
  • Nghị định 28/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật việc làm về bảo hiểm thất nghiệp;
  • Nghị định 61/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2015 của chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của luật việc làm về bảo hiểm thất nghiệp.

Trợ cấp thất nghiệp là gì?

Theo Luật Việc làm 2013, trợ cấp thất nghiệp là một trong 04 chế độ của bảo hiểm thất nghiệp. Có thể hiểu trợ cấp thất nghiệp là một khoản tiền mà cơ quan bảo hiểm xã hội phải chi trả nhằm hỗ trợ tạm thời người lao động để giải quyết tình trạng thất nghiệp gây ra khó khăn ảnh hưởng đến cuộc sống của người lao động và gia đình.

Đối với bảo hiểm thất nghiệp, chế độ trợ cấp thất nghiệp có vai trò trụ cột trong chính sách bảo hiểm thất nghiệp, giúp người lao động thất nghiệp giải quyết được ngay lập tức những khó khăn trước mặt. Tuy nhiên không phải ai tham gia đóng phí và đủ thời gian bảo hiểm thất nghiệp cũng được hưởng chính sách hỗ trợ của nhà nước. Mà còn phải căn cứ vào các quy định khác về các điều kiện để hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Đối tượng được hưởng trợ cấp thất nghiệp

Căn cứ theo khoản 1 Điều 43 và Điều 49 Luật Việc làm năm 2013, có thể xác định những đối tượng sau có thể được hưởng trợ cấp thất nghiệp:

  • Người lao động có hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn;
  • Người lao động có hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn;
  • Người lao động có hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.

Tuy nhiên, để được hưởng trợ cấp thất nghiệp, những đối tượng trên phải đáp ứng được các điều kiện sau:

  • Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ trường hợp: Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật; hoặc hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;
  • Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm 2013. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật Việc làm năm 2013;
  • Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định;
  • Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp được quy định tại khoản 4 Điều 49 Luật Việc làm năm 2013.

Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp

Mức trợ cấp thất nghiệp là tỷ lệ phần trăm số tiền người thất nghiệp được hưởng từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Khoản trợ cấp nhiều hay ít phụ thuộc vào thời gian tham gia và mức thu nhập trước đó của người thất nghiệp.Theo quy định tại khoản 1 điều 50 Luật việc làm 2013, mức trợ cấp thất nghiệp hàng tháng được tính như sau:

Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng = Trung bình lương 06 tháng liền kề có đóng BHTN trước khi thất nghiệp x 60%

Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không qua 05 lần mức lương tối thiểu vùng thấy quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp động lao động hoặc hợp đồng làm việc.

Thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Để được hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp, người lao động phải chuẩn bị hồ sơ theo quy định tại Điều 16 Nghị định 28/2015/NĐ-CP, bao gồm:

  • Đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp
  • Giấy tờ xác nhận về thời gian làm việc và xác nhận việc chấm dứt hợp đồng lao động. Cụ thể: Bản chính hoặc bản sao có chứng thực của một trong các giấy tờ được quy định tại khoản 6 Điều 1 Nghị định 61/2020/NĐ-CP: Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn; Quyết định thôi việc hoặc Quyết định sa thải hoặc Quyết định kỷ luật buộc thôi việc hoặc Thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc;…
  • Sổ Bảo hiểm xã hội có xác nhận của cơ quan Bảo hiểm xã hội về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp hoặc bản xác nhận của cơ quan Bảo hiểm xã hội về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Bước 2: Nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp

Trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động chưa có việc làm và có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp phải trực tiếp nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp cho trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi người lao động muốn nhận trợ cấp thất nghiệp.

Trung tâm dịch vụ việc làm có trách nhiệm tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ, ghi phiếu hẹn trả kết quả theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định và trao phiếu trực tiếp cho người nộp hồ sơ hoặc gửi qua đường bưu điện đối với người nộp hồ sơ qua đường bưu điện. Trường hợp hồ sơ không đúng theo quy định thì trả lại người nộp và nêu rõ lý do.

Đối với những trường hợp sau, người lao động có thể ủy quyền cho người khác nộp hồ sơ hoặc gửi hồ sơ theo đường bưu điện:

  • Ốm đau, thai sản có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền;
  • Bị tai nạn có xác nhận của cảnh sát giao thông hoặc cơ sở y tế có thẩm quyền;
  • Hỏa hoạn, lũ lụt, động đất, sóng thần, địch họa, dịch bệnh có xác nhận của Chủ tịch Ủy bannhân dân xã, phường, thị trấn.

Bước 3: Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp

Trong thời hạn 20 ngày tính theo ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Trung tâm dịch vụ việc làm có trách nhiệm xem xét, trình Giám đốc Sở lao động – Thương binh và Xã hội quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động.

Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ mà người lao động chưa tìm được việc làm và được Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp thì trung tâm xác nhận vào sổ bảo hiểm xã hội về việc đã giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp. Sau đó, trung tâm dịch vụ việc làm có trách nhiệm gửi lại cho người lao động cùng quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Tuy nhiên, những hồ sơ không đủ điều kiện hưởng trợ cấp, Trung tâm dịch vụ việc làm phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Trên đây là bài viết trình bày chi tiết về Thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp. Nếu có bất kì khó khăn vướng mắc liên quan tới vấn đề bảo hiểm thất nghiệp, tư vấn pháp luật lao động, Quý khách hàng vui lòng liên hệ CÔNG TY TNHH TƯ VẤN VÀ QUẢN TRỊ DOANH NGHIỆP AN PHÁT LAW để được tư vấn chi tiết!

- Văn phòng tại Tp.Hà Nội: 14-15A, Tầng 7, Tòa nhà Charmvit, số 117 Trần Duy Hưng, P Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Tp. Hà Nội

- Văn phòng tại Tp.HCM:  Số 4/15 Đông Hưng Thuận 42, Phường Tân Hưng Thuận, Quận 12, Tp.Hồ Chí Minh

- Email: anphatlawer@gmail.com

- Hotline:0902 761 326